Sinh ra và lớn lên tại Bắc Ninh - quê hương Kinh Bắc - miền quê của những làn điệu dân ca quan họ và những di sản lịch sử văn hóa tiêu biểu của dân tộc với miền đất đẹp như trong cổ tích. Người Bắc Ninh cũng như mọi con dân của đất Việt, họ cũng cần cù lao động, chịu thương chịu khó, hiếu khách quý người. Người Kinh Bắc xưa nổi tiếng văn hay chữ tốt, học giỏi. Truyền thống quê hương và vẻ đẹp của những con người hiếu học đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo của cô Nguyễn Thị Nguyệt. Tình yêu ấy trong cô cứ thế lớn dần theo năm tháng để được đem con chữ và gieo những hạt ước mơ đến với các thế hệ học trò trên mảnh đất quê hương còn nhiều khó khăn này. Từ một nữ sinh học giỏi Hóa học, cô Nguyễn Thị Nguyệt đã thi đỗ vào lớp sư phạm Hóa học của Trường Cao đẳng sư phạm Bắc Ninh.
Năm 2001, cô Nguyệt tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Bắc Ninh. Trong niềm hân hoan của một nữ sinh mới ra trường, cô đỗ biên chế, về dạy học tại Trường THCS Văn Môn - Huyện Yên Phong - Tỉnh Bắc Ninh. Với bầu nhiệt huyết căng tràn của tuổi trẻ, cô Nguyệt công tác tại đây đến năm 2004. Nên duyên cùng một anh bộ đội cụ Hồ, cô giáo Nguyệt theo chồng chuyển về công tác gần nhà tại trường THCS Tân Hồng – Huyện Từ Sơn – Tỉnh Bắc Ninh. Công tác ở đâu, cô Nguyệt cũng luôn được học trò và đồng nghiệp yêu mến, kính trọng.
Là người con của quê hương Kinh Bắc nhưng cô và gia đình nhỏ lại chọn mảnh đất Hà Nội ngàn năm văn hiến làm quê hương thứ hai để an cư, lạc nghiệp. Từ tháng 8 năm 2010, cô chuyển công tác về Trường THCS Thượng Thanh, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Từ đó đến nay, cô Nguyệt không ngừng phấn đấu trau dồi trình độ chuyên môn nghiệp vụ để trở thành giáo viên dạy giỏi cấp Quận. Chuyển công tác từ một tỉnh thành khác về dạy học tại thủ đô nên cô Nguyệt luôn miệt mài, chăm chỉ học hỏi đồng nghiệp để làm quen và hòa nhập với môi trường làm việc mới. Với sự cần cù, chịu khó học hỏi nâng cao chuyên môn, trong hai năm học liên tiếp 2012 - 2013 và 2013 - 2014, cô tham gia thi và đạt giáo viên dạy giỏi cấp Quận môn Hóa học. Năm học 2019 - 2020, cô đã xuất sắc đạt giải Nhì cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp Quận. Cô luôn tâm niệm: thầy cô giáo giỏi không phải là dạy được nhiều học sinh giỏi mà là người dạy cho học sinh nắm vững kiến thức. Cũng chính từ tâm niệm ấy mà mỗi giờ lên lớp cô thường trăn trở, băn khoăn làm thế nào để có những giờ học hay, để có những bài giảng thực sự thu hút học sinh say mê học tập và yêu môn học. Chưa dừng lại ở đó, cô Nguyệt có tới hai sáng kiến kinh nghiệm được công nhận cấp thành phố. Đó là những sáng kiến cô dày công thử nghiệm và áp dụng để nâng cao hiệu quả giảng dạy, cũng như nâng cao chất lượng ôn thi học sinh giỏi. Bởi vậy, trong gần mười hai năm công tác tại trường THCS Thượng Thanh, năm nào cô cũng có học sinh đạt giải cấp Quận, cấp thành phố, tiêu biểu là các em: Vương Thu Yến, Nguyễn Anh Tú, Nguyễn Mạnh Dũng, Gia Huy, Thúy An, Hồng Hải, Đào Dương Trung Dũng… Cô dành nhiều thời gian ngoài giờ và tâm huyết để luyện đề cho các bạn học sinh tham dự đội tuyển. Trong cuộc đời giảng dạy của mình, cô ba lần được công nhận “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” các năm học 2012-2013, 2013-2014 và 2019-2020. Năm học 2013-2014 cô vinh dự đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Theo lời em Đào Dương Trung Dũng học sinh lớp 9A1 năm học 2021-2022 (đạt giải Ba học sinh giỏi cấp quận) chia sẻ: “Được học môn Hóa học do cô Nguyệt giảng dạy, với em đây không còn là môn học khô khan và khó hiểu với bảng tuần hoàn Medeleev và những phương trình phản ứng hóa học… mà đây là môn học rất thú vị, gắn liền với thực tế cuộc sống.
Với cương vị là tổ phó chuyên môn tổ Khoa học tự nhiên, cô luôn có trách nhiệm với công việc, luôn có những đóng góp tích cực vào bài giảng mỗi khi thành viên trong tổ tham gia thi giáo viên giỏi hay dạy chuyên đề các cấp. Cô từng chia sẻ: “Đứng sau “cánh gà” hỗ trợ các chị, các em tỏa sáng ấy là hạnh phúc”. Khi còn công tác tại trường THCS Thượng Thanh, Cô Ngô Hồng Giang – nguyên Hiệu trưởng nhà trường từng nhận xét: “Cô Nguyệt là một cô giáo giỏi chuyên môn không chỉ được học trò mà đồng nghiệp cũng vô cùng yêu quý bởi lối sống khiêm nhường, cởi mở”.
Trong 21 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, cô Nguyệt không chỉ được biết tới là cô giáo dạy bộ môn Hóa học, theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018 là môn Khoa học tự nhiên mà cô Nguyệt còn nổi tiếng là cô giáo chủ nhiệm nhiệt tình và tâm huyết của đàn con thơ. Có cơ hội gắn bó, đồng hành cùng cô Nguyệt trong suốt 12 năm qua, tôi thật sự cảm phục sự chỉn chu, tỉ mẩn trong công tác chủ nhiệm của cô. Khi đón lớp, cô thường tìm hiểu kỹ hoàn cảnh của từng thành viên trong lớp, tìm hiểu năng khiếu, sở trường của từng em. Cô Nguyệt yêu thương học trò của mình lắm! Sáng nào cô cũng đến sớm kiểm tra sách vở, đồ dùng học tập, bài vở của học sinh. Tranh thủ giờ chuyển tiết cô lại xuống lớp nhắc nhở các con ý thức giữ vệ sinh hay việc thực hiện nội quy của lớp. Bởi vậy, mặc dù số tiết của cô ở lớp không nhiều nhưng các con luôn cảm thấy “người mẹ thứ hai” của mình luôn đồng hành, ở bên, chăm sóc các con. Cô luôn giữ sợi dây liên hệ với phụ huynh học sinh. Hàng ngày cô thông báo tình hình của học sinh đến các phụ huynh trong lớp, nhắc nhở phụ huynh phối hợp nhằm tăng hiệu quả giáo dục học sinh. Mỗi khi nhà trường tổ chức các đợt thi đua như Tết trung thu, kỉ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, Noel, Tết Nguyên đán, 26/03… dễ dàng bắt gặp bóng dáng nhỏ nhắn, cần mẫn của cô Nguyệt cùng phụ huynh, học sinh triển khai nhiệm vụ. Bởi vậy, các phong trào thi đua của lớp cô chủ nhiệm bao giờ cũng giành được giải cao.
Là cô giáo chủ nhiệm đầy tâm huyết, cô đặc biệt quan tâm đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trong phong trào “Nhà giáo Hà Nội đỡ đầu học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, cô là một trong những giáo viên rất tích cực tham gia. Năm nào cô cũng miễn, giảm cho các em có hoàn cảnh khó khăn tiền học để giảm bớt phần nào gánh nặng cho gia đình các em.
Năm học 2022-2023 thực hiện đề án chia tách trường THCS Thượng Thanh, cô Nguyệt cùng 13 thầy cô khác theo điều động của cấp trên phải chuyển công tác sang trường THCS Gia Quất. Biết bao sự tiếc nuối, nước mắt của học trò lớp 9A2 đã rơi vì không được cô Nguyệt đồng hành trong năm cuối cấp. Điều đó cho thấy, cô Nguyệt được học trò yêu mến đến nhường nào. Rời mái trường THCS Thượng Thanh, cô Nguyệt mang theo sự nhiệt tình và khát khao được cống hiến, đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng ngôi trường mới trên mảnh đất Thượng Thanh giàu truyền thống hiếu học. Những ngày đầu, nhà trường gặp bao khó khăn, thiếu thốn khi lực lượng mỏng, cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, cô Nguyệt cùng Ban giám hiệu nhà trường kiện toàn bộ máy. Vốn là người cẩn thận, trung thực, thật thà và ngay thẳng cô được giao nhiệm vụ trưởng Ban thanh tra nhân dân và chủ nhiệm lớp 6A2. Nhìn cô ríu rít bên đàn con thơ, phụ huynh nào cũng cảm nhận được ở cô tấm lòng yêu thương của người mẹ. Học trò thường tìm đến cô để hỏi han, tư vấn. Tôi còn nhớ có lần cô chia sẻ ngay cả học sinh đã ra trường nhiều năm, khi đứng lựa chọn trường để thi Đại học cũng tìm đến cô để tư vấn. Phải yêu mến và kính trọng cô lắm thì học sinh mới tìm đến cô như vậy.
Cô Nguyệt vẫn thế, dáng đi thoăn thoắt, nụ cười tươi tắn cùng tấm lòng ấm áp đã khiến bao trái tim phụ huynh và học sinh rung động. Giờ đây, như con ong chăm chỉ, như bông hoa âm thầm tỏa hương sắc làm đẹp cho đời, cô Nguyễn Thị Nguyệt là một nhà giáo mẫu mực của trường THCS Gia Quất. Những đóng góp, cống hiến của cô Nguyệt đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong Hội đồng sư phạm Trường THCS Gia Quất. Đến giờ thì tôi đã hiểu tại sao cô lại được học trò và đồng nghiệp yêu mến đến thế! Lời nhận xét hài hước của học trò dành cho cô Nguyệt lại vang lên khiến tôi thoáng mỉm cười còn đôi mắt thì lấp lánh niềm tin yêu “Cô Nguyệt thật đáng yêu nên yêu thật cũng đáng!”.